Theo phong tục của người Việt, thông thường sau khi người chết mất, thường để khâm niệm trong 24-48 giờ, sau đó mới đem chôn hoặc hỏa táng. Một câu hỏi đặt ra liệu ngày mất của người chết tính theo ngày nào? Cũng giỗ đầu cho cha mẹ vào ngày nào? Để giải đáp thắc mắc chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Ngày giỗ là gì?
Ngày giỗ còn được gọi là ngày húy nhật hay kỵ nhật, là ngày được tổ chức vào hàng năm vào ngày mất của ông bà, cha mẹ, người thân. Ngày giỗ là dịp để người còn sống tưởng nhớ đến người đã chết, vào ngày này con cháu thường tụ họp lại tổ chức mâm cơm cúng và ăn uống cùng nhau, tùy theo điều kiện kinh tế mỗi gia đình mà lễ cúng giỗ được tổ chức linh đình hay đơn giản, chủ yếu là ở tâm của người sống.
Đây là truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam, uống nước nhớ nguồn. Trước ngày giỗ con cháu thường tụ họp, bàn bạc với nhau về cách thức tổ chức lễ, phân công công việc cho từng thành viên trong gia đình dòng họ, lên danh sách khách mời và đón tiếp. Ngày giỗ còn được chia ra làm giỗ đầu, giỗ hết và giỗ thường:
Giỗ đầu (hay còn gọi là lễ tiểu tường) là lễ giỗ vào ngày cha mẹ qua đời được đúng 1 năm, lễ giỗ này mọi người vẫn có tâm trạng đau thương và luyến tiếc đến người đã mất. Lễ giỗ được tổ chức một cách trang trọng con cháu vẫn mặc đồ tang hoặc đeo băng tang màu đen trên trang phục, một số gia đình vẫn nhờ các thầy về làm lễ hoặc niệm phật. Lễ giỗ đầu là ngày giỗ quan trọng nhất của người đã mất, con cháu xa gần đều cố gắng tụ họp về dự lễ.
Giỗ Hết hay còn gọi là lễ Đại Tường, là ngày giỗ được tổ chức sau ngày người mất được hai năm. Theo tục lệ thì thời gian để tang nười chết là 3 năm, nên ngày giỗ hết vẫn nằm trong thời kỳ con cháu còn để tang, tuy sự đau đớn khi mất người thân đã nguôi dần nhưng ngày giỗ này người ta vẫn tổ chức một cách trang nghiêm.
Sau lễ Giỗ Hết ba tháng gia quyến sẽ chọn ngày đẹp để làm lễ đoạn tang ( lễ hết tang/Đàm tế/Trừ phục). Vào ngày lễ này người ta sẽ đốt bỏ tất cả những đồ dùng trong tang lễ như : quần áo tang, khăn tang, băng tang, rèm bàn thờ, câu đối. Bát hương, bài vị, di ảnh người chết cũng được đem lên thờ cùng bàn với ông bà tổ tiên, bàn thờ vong được bỏ đi. Mộ phần của người chết cũng được sửa sang lại cho đẹp hơn.
Về phần người sống, sau khi đoạn tang trở về cuộc sống bình thường, có thể đến chúc tết dịp năm mới mà không lo mang lại đen đủi cho nhà họ, có thể tham gia các lễ hội vui chơi, người có vợ/chồng mất có thể lấy vợ khác chồng khác Sau lễ này người đang sống sẽ trở lại cuộc sống thường nhật, có thể tham gia các tổ chức hội hè, đình đám, vui chơi; người vợ có chồng chết có thể đi bước nữa.
Ngày nay, nhiều nơi đã rút ngắn thời gian để tang. Sau lễ giỗ hết họ thực hiện lễ đoạn tang hoặc thậm chí chỉ sau 100 ngày sau ngày mất (đối với những người hỏa táng) do quan niệm những người chết được hỏa táng thì đã sớm được “sạch sẽ” và có thể đưa di ảnh và bát hương lên bàn thờ chung của gia tiên.
Giỗ Thường hay còn gọi là ngày Cát kỵ (giỗ lành), là lễ giỗ được tổ chức cho người mất từ ngày họ ra đi tròn 3 năm và những ngày giỗ sau đó cũng được gọi là giỗ thường. Trong ngày giỗ thường, con cháu trong gia đình dòng họ vẫn tập trung lại tưởng nhớ đến người đã mất, nhưng mọi buồn đau đã lùi vào quá khứ, con cháu tụ tập quây quần và xem như một ngày hội họp con cháu gần xa. Thường thì ngày giỗ thường sẽ được tổ chức đơn giản hơn lễ Giỗ Đầu và Giỗ Hết.
Cúng giỗ đầu của cha mẹ là vào ngày nào?
Trong xã hội hiện đại khi mà văn hóa truyền thống đang mai một dần đặc biệt ở các thành phố lớn, khi mà con người ta quay vòng trong công việc. Không phải ai cũng biết cúng giỗ đầu cho cha mẹ là vào ngày nào? Tại sao lại phải cúng như vậy? chúng ta cùng tìm hiểu lại nhé.
Khi làm lễ cúng giỗ cho người thân nói chung và cúng giỗ đầu cho cha mẹ nói riêng, người ta thường tổ chức cũng lễ trong 2 ngày, một lễ được gọi là lễ tiên thường (Cáo giỗ) một lễ được gọi là chính kỵ (giỗ chính).
Lễ Tiên thường còn được gọi là lễ Cáo giỗ, được diễn ra trước ngày người mất 1 ngày, mục đích chính là để mời linh hồn người đã mất và vong linh của gia tiên nội ngoại về hưởng giỗ cùng con cháu, xin phép ông Công cho linh hồn của người đã mất và gia tiên được về nhà hưởng giỗ.
Thủ tục tiến hành: Người thân trong gia đình chỉ cần chuẩn bị một lễ nhỏ bao gồm vàng hương, rượu, nước lọc/nước nước dừa, hàn the, nước hoa…đem ra ngoài mộ phần, thắp hương, dọn mộ cho khang trang sạch sẽ, khấn mời linh hồn người mất, linh hồn người thân gia tộc về hưởng giỗ, đồng thời khấn xin thần linh, thổ địa cai quản nghĩa trang cho phép linh hồn người nhà mình được về cùng con cháu hưởng giỗ. Trong lễ tiên thường con cháu sắp sửa một chút vật phẩm để dâng ông bà tổ tiên nếm trước.
Lễ tiên thường được tổ chức vào ngay chiều ngày hôm trước lễ chính kỵ (ngày người mất), còn buổi sáng ngày hôm đó thường tiến hành lau dọn bàn thờ, bát hương cho gọn gàng sạch sẽ. Trong lễ Tiên thường, Linh Thần Thổ Địa phải đước khấn báo trước, rồi sau đó mới khấn mời Gia tiên. Đèn nhang phải được thắp trên bàn thờ từ ngày lễ tiên thường cho hết ngày giỗ chính kỵ.
Giỗ tiên thường tổ chức đối với các lễ giỗ cho người bề trên như ông bà cha mẹ, vợ chồng, anh chị….còn các lễ giỗ cho người bề dưới như bậc con, cháu, chắt…thì không cần. Đối với giỗ đầu của cha mẹ thì lễ tiên thường bắt buộc phải có và cần được tổ chức một cách long trọng, những gia đình giàu có còn có thể mời cả hàng xóm láng giềng đến tham dự ăn cỗ vào ngày này.
Ngày Chính kỵ còn được gọi là Chính giỗ, là ngày mất của người quá cố. Đối với giỗ đầu của cha mẹ đó là ngày sau khi cha mẹ mất tròn một năm. Giỗ chính kỵ được tổ chức to hơn lễ tiên thường. Với giỗ đầu thì vẫn trang trọng uy nghiêm, còn các giỗ thường thì có thể chị nội bộ gia đình. Trong Lễ Chính kỵ báp cơm úp quả trứng gà, đĩa muối là vật không thể thiếu trên bàn thờ. Điều này tuân theo học thuyết Âm Dương với ý nghĩa là thể hiện mối quan hệ tình cảm sâu sắc giữa người cõi âm và cõi dương.
Theo học thuyết Âm Dương thì âm dương luôn có sự cân bằng, trong âm có dương, trong dương có âm, có sự biến đổi và chế hóa lẫn nhau, âm dương có hài hòa thì cuộc sống mới bình an. Biểu tượng bát cơm úp với quả trứng cũng có tính chất âm dương, phần bát cơm úp phía trên đại diện cho phần dương, phần phái dưới bát cơm đại diện cho âm. Phần lòng trứng trắng bên ngoài là dương, lòng đỏ bên trong là âm.
Về khấn bái, trong lễ chính kỵ gia chủ sẽ khấn mời linh hồn người chủ giỗ trước, sau đó đến mời gia tiên tiền tổ hai bên nội ngoại theo thứ tự ngôi thứ từ cao đến thấp, cuối cùng mới khấn mời thần linh bản thổ. Vậy việc cúng giỗ đầu cho cha mẹ cũng tuân theo các quy tắc trên. Cúng giỗ đầu cho cha mẹ vào hai ngày đó là: ngày trước ngày mất, sau một năm, gọi là lễ tiên thường và đúng ngày mất sau 1 năm gọi là lễ chính kỵ.
Theo nội dung được ghi trong sách Thọ Mai Gia Lễ thì ông cha ta có quan niệm “Ngũ đại mai thần chủ”, tức việc cúng giỗ chỉ cần thực hiện trong vòng năm đời “Ngũ đại đồng đường” tính từ đời con cháu chịu trách nhiệm làm giỗ: con (người cúng giỗ), bố mẹ, ông bà, cụ, kỵ. Các đời trên nữa thì gọi là tổ tiên không cúng giỗ riêng nữa mà góp lại vào các ngày đại lễ. Theo thuyết luân hồi thì sau 5 đời thì người chết đã được tái sinh nên không cần cúng giỗ nữa.
Văn khấn giỗ đầu cha mẹ
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Đức Đương cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương.
Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần Quân.
Con kính lạy các ngài Thần linh, Thổ địa cai quản trong xứ này.
Con kính lạy chư gia tiên Cao Tằng Tổ tiên nội ngoại họ…………………………
Tín chủ (chúng) con là:………………………………Tuổi……..………………
Ngụ tại:………………………………………………………………………………
Hôm nay là ngày……………tháng……….năm….…………(Âm lịch).
Chính ngày Giỗ Đầu của………………………………………………………………
Năm qua tháng lại, vừa ngày húy lâm. Ơn võng cực xem bằng trời biển, nghĩa sinh thành không lúc nào quên. Càng nhớ công ơn gây cơ tạo nghiệp bao nhiêu, càng cảm thâm tình, không bề dãi tỏ. Nhân ngày chính giỗ, chúng con và toàn gia con cháu, nhất tâm sắm sửa lễ vật kính dâng, đốt nén tâm hương dãi tỏ tấc thành.
Thành khẩn kính mời…………………………………………………………………
Mất ngày…………. Tháng………………năm…………………(Âm lịch)
Mộ phần táng tại:……………………………………………………………………..
Cúi xin linh thiêng giáng về linh sàng, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, độ cho con cháu bình an, gia cảnh hưng long thịnh vượng.
Tín chủ con lại xin kính mời các cụ Tổ Tiên, nội ngoại, Tổ Khảo, Tổ Tỷ, Bá thúc, Cô Di và toàn thể các Hương linh gia tiên đồng lai hâm hưởng.
Tín chủ lại mời vong linh các vị Tiền chủ, Hậu chủ trong đất này cùng tới hâm hưởng.
Chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin được phù hộ độ trì.
Phục duy cẩn cáo!
Với những chia sẽ ở trên, hy vọng đã giúp mọi người giải đáp được những băn khoăn về các vấn đề liên quan đên việc cúng giỗ cho người thân, biết được nên cúng giỗ đầu cho cha mẹ là vào ngày nào, khấn bái ra sao. Để có thêm nhiều thông tin, kiến thức hữu ích khác, hãy cùng chúng tôi theo dõi các bài viết tiếp theo nhé!
Xem thêm: